Bài viết bởi Vương Anh Quân ngày Tháng Hai 10, 2021
Khái niệm “Bond là gì?” có khi bạn đã nhiều lần nghe qua rất quen tai nhưng lại không hiểu rõ bản chất của nó.
Bond được xem là một trong số những công cụ tài chính được các nhà đầu tư chú ý khá nhiều trên thị trường tài chính nói chung. Điều có thể nhận thấy rõ nhất khi thị trường Bond - trái phiếu sẽ trở nên sôi động nếu có thông tin cắt giảm về lãi suất vì nó có xu hướng vận hành ngược với lãi suất. Tuy lợi tức không cao nhưng đầu tư vào Bond được đánh giá là một hình thức đầu tư khá an toàn, có thể mang lại một khoản thu ổn định. Vậy thực chất Bond là gì? Đầu tư Bond có thể xảy ra rủi ro hay không? Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ đề cập đến những thông tin để giải đáp những thắc mắc này cho quý vị.
Bond là gì?
Tuy đây là một thuật ngữ khá quen tai trong môi trường chứng khoán nhưng một số traders vẫn còn chưa rõ phương thức hoạt động của Bond là gì, những rủi ro nào có thể xảy ra khi đầu tư Bond.
Bond hay còn gọi là trái phiếu, về bản chất được hiểu là một loại chứng khoán đóng vai trò làm công cụ cố định trong việc thể hiện khoản cho vay của bên nắm giữ trái phiếu (nhà đầu tư/trái chủ) đối với bên phát hành trái phiếu (bên vay). Các đơn vị được phép phát hành trái phiếu là các doanh nghiệp, ngân hàng hoặc các tổ chức hành chính có thẩm quyền như Chính phủ, Kho bạc Nhà Nước.
Trái chủ sẽ được nhận lại số tiền gốc bằng mệnh giá đã mua trái phiếu cùng với lợi tức được tính theo quy định lãi ghi trên cuống phiếu hoặc chi trả định kỳ, tùy thuộc vào đơn vị phát hành trái phiếu khi đến phiên đáo hạn.
Phân biệt các loại Bond
Trên thị trường hiện nay cũng tồn tại nhiều loại Bond, tùy thuộc vào các tiêu chí phân loại khác nhau mà trái phiếu sẽ được chia thành nhiều hình thức khác nhau.
Theo phương thức trả lãi
Nếu xét về phương thức trả lãi của đơn vị phát hành trái phiếu thì phân loại Bond là gì?
Trái phiếu trả lãi suất cố định: đơn giản là trả lãi theo từng kỳ đều đặn. Đây là hình thức được nhiều doanh nghiệp áp dụng để hạn chế tình trạng áp lực tài chính trong kỳ đáo hạn.
Trái phiếu trả lãi suất thả nổi: phụ thuộc vào con số trên lãi suất tham chiếu mà lãi suất sẽ có thay đổi ít nhiều, không giống nhau qua các kỳ.
Trái phiếu trả lãi suất bằng 0 (zero-coupon): hình thức này sẽ không trả lãi theo kỳ mà sẽ được tính chiết khấu (discount) ngay trong mệnh giá mua. Lợi nhuận sẽ được tạo ra ngay khi người sở hữu trái phiếu thanh toán giá trị trái phiếu vào thời điểm đáo hạn. Một ví dụ cụ thể cho phương thức trả lãi này chính là Tín phiếu Kho Bạc Hoa Kỳ - US Government Treasury Bond.
Theo đơn vị phát hành
Về chủ thể phát hành như đã đề cập ở trên, những đơn vị có thể trở thành bên phát hành trái phiếu sẽ là Chính phủ, doanh nghiệp hoặc ngân hàng/tổ chức tài chính:
Trái phiếu do Chính phủ phát hành: đây là loại trái phiếu được đánh giá là có tính thanh khoản cao cũng như ít rủi ro nhất. Do đó, lãi suất của trái phiếu Chính phủ thường trở thành mức lãi suất chuẩn hóa cho lãi suất của công cụ nợ khác có cùng kỳ hạn. Đơn vị phát hành trái phiếu Chính phủ có thể là Kho bạc Nhà nước (cấp trung ương) hoặc Kho bạc địa phương (cấp địa phương).
Trái phiếu do doanh nghiệp phát hành: mục đích chính của họ chính là vay vốn trung và dài hạn từ nguồn đầu tư của các trái chủ.
Trái phiếu do ngân hàng hoặc các định chế tài chính khác phát hành: về bản chất nó cũng giống như doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, lãi suất nhận lại cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Theo hình thức đảm bảo
Với hình thức này, trái phiếu được chia làm 2 dạng chính là:
Trái phiếu đảm bảo: các bên phát hành trái phiếu sẽ tiến hành đảm bảo cho trái chủ bằng những tài sản có giá trị pháp lý đầy đủ (có thể là BĐS hoặc chứng khoán ký quỹ,...) trong trường hợp bên phát hành không có khả năng chi trả.
Trái phiếu không đảm bảo: không có bất cứ tài sản đảm bảo nào cho loại trái phiếu này, trái chủ quyết định đầu tư dựa trên uy tín của đơn vị phát hành trái phiếu.
Theo hình thức trái phiếu
Nếu phân loại theo hình thức phát hành, những loại Bond là gì?
Trái phiếu ghi danh: có lưu trữ tất cả thông tin liên quan đến người sở hữu trái phiếu trên hệ thống, không tồn tại ở dạng tờ trái phiếu.
Trái phiếu vô danh: tồn tại dưới dạng tờ trái phiếu không ghi tên trái chủ. Khi đến kỳ hạn nhận lãi, trái chủ mang tờ phiếu đến đơn vị phát hành để xác nhận vã lĩnh tiền.
Theo tính chất trái phiếu
Trái phiếu chuyển đổi: được hiểu là trái phiếu do công ty cổ phần phát hành. Trái chủ có thể được chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần của công ty. Lúc này trái chủ sẽ là cổ đông của công ty. Trên thực tế, đây được xem là một giải pháp cứu cánh khá ổn để công ty có thể xử lý khoản lãi thấp hơn thời điểm trước khi vay (thời điểm phát hành trái phiếu).
Trái phiếu không chuyển đổi: không thể chuyển đổi thành cổ phiếu do quy định của đơn vị phát hành.
Trái phiếu thu hồi: hay còn gọi là trái phiếu mua lại là loại trái phiếu cho phép bên phát hành mua lại trước thời gian đáo hạn. Trái phiếu này tương đối không có lợi với trái chủ vì đơn vị phát hành chủ động hơn trong việc thu hồi/không thu hồi trái phiếu. Nếu quyết định thu hồi được đưa ra trong lúc giá trái phiếu tăng thì người sở hữu trái phiếu có thể bị lỗ vốn.
Trái phiếu có quyền chọn bán: khi sở hữu loại trái phiếu này, trái chủ có thể bán lại cho đơn vị phát hành trước thời gian đáo hạn để tránh thua lỗ nếu giá trị trái phiếu giảm. Đồng thời, lãi suất của trái phiếu có quyền chọn bán thấp hơn các loại trái phiếu cùng kỳ hạn khác.
Đặc điểm của Bond là gì?
Vậy đặc điểm của các loại Bond là gì? Có giống nhau hay không? Trên thực tế đặc điểm của các loại Bond – trái phiếu đều giống nhau bởi nó vẫn là một công cụ thể hiện mối quan hệ vay vốn của chủ thể phát hành và trái chủ. Cụ thể các đặc điểm đó là:
Giá trị mệnh giá: là số tiền mà người sở hữu trái phiếu đã chi để mua và nhận lại vào ngày đáo hạn. Đây cũng là số tiền tham chiếu mà đơn vị phát hành dựa vào đó để làm cơ sở, tính toán các khoản lãi.
Lãi suất định kỳ (hay còn gọi là coupon): là khoản lãi mà đơn vị phát hành trái phiếu cần phải trả thêm mệnh giá trái phiếu, biểu thị dưới dạng %.
Kỳ hạn trả lãi: là ngày đơn vị phát hành trái phiếu thực hiện thanh toán lãi cho trái chủ (có thể là kỳ hạn tháng/quý/hoặc thanh toán một lần ở phiên đáo hạn).
Phiên đáo hạn: là ngày đơn vị phát hành trái phiếu thực hiện trả toàn bộ giá trị mệnh giá cho trái chủ.
Giá phát hành: là giá niêm yết của trái phiếu vào thời điểm phát hành, được tính theo tỷ lệ % của mệnh giá.
Nhìn chung, hai yếu tố quyết định giá trị trái phiếu chính là chất lượng tín dụng của trái phiếu (dựa trên xếp hạng mức độ uy tín của đơn vị phát hành) và thời gian đáo hạn vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất của mỗi kỳ hạn.
Ví dụ thực tế về cách vận hành Bond trên thị trường
Nếu phía trên đều là những thông tin có phần mang tính chuyên môn khá nhiều để trả lời cho câu hỏi “Bond là gì?” thì ở phần này, chúng tôi sẽ bắt đầu đưa ra ví dụ và giải thích cụ thể cách vận hành của Bond để mọi người có thể hiểu rõ hơn hoạt động mua bán Bond trên thị trường.
Một đơn vị doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu với mẫu thông tin như sau:
Mệnh giá trái phiếu: 100,000 VNĐ.
Lãi suất: 12%/năm.
Kỳ hạn trả lãi: 1 năm.
Phiên đáo hạn: 5 năm.
Giá phát hành trái phiếu: 90,000 VNĐ.
Trường hợp 1: A mua trái phiếu và giữ lại đến phiên đáo hạn.
Dòng tiền của nhà đầu tư này nhận sau thời gian đáo hạn 5 năm cho 1 trái phiếu được tính như sau: tại thời điểm phát hành, trái chủ đã đầu tư 90,000/trái phiếu. Sau kỳ hạn trả lãi thứ 1, trái chủ lãi 12,000 VNĐ/trái phiếu và lặp lại cho 4 năm sau đó. Đến năm thứ 5, tức cuối phiên đáo hạn thì trái chủ vẫn sẽ nhận được 12,000 VNĐ/trái phiếu như các năm trước và cộng thêm 100,000 VNĐ mệnh giá ban đầu. Suy ra, trái chủ A đã lãi được 70,000 VNĐ/trái phiếu trong vòng 5 năm.
Trường hợp 2: A mua trái phiếu nhưng không giữ đến hết phiên đáo hạn.
Ví dụ cho giá trái phiếu này trên thị trường đến cuối năm thứ 2 trong kỳ hạn đã giảm xuống còn 85,000 VNĐ/trái phiếu thay vì 90,000 VNĐ như trước đó nên A đã bán cho B số trái phiếu mình đang sở hữu. Điều này đồng nghĩa với việc B chỉ cần trả 85,000 VNĐ/trái phiếu.
Vậy dòng tiền của A và B được tính như thế nào?
Dòng tiền của A: do chỉ sở hữu trái phiếu đến cuối năm 2 của kỳ hạn nên A chỉ nhận được lợi tức ở năm 1 và năm 2 (mỗi năm 12,000 VNĐ/trái phiếu); đồng thời cộng với 85,000 VNĐ từ việc bán trái phiếu (không được nhận tiền mệnh giá vì không giữ trái phiếu đến ngày đáo hạn). Tổng lợi nhuận mà A nhận được sau 2 năm là 19,000 VNĐ.
Dòng tiền của B: đầu năm 3 của kỳ hạn, B chi 85,000 VNĐ/trái phiếu để mua lại từ A. Cuối năm 3, 4, 5 B sẽ nhận được 12,000 VNĐ/trái phiếu/năm. Trong phiên đáo hạn, người này sẽ nhận thêm 100,000 VNĐ mệnh giá ban đầu mà doanh nghiệp sẽ trả cho người sở hữu trái phiếu đến thời điểm đáo hạn. Trái chủ B lúc này sẽ lãi tổng cộng 51,000 VND/trái phiếu/3 năm.
Rủi ro khi đầu tư vào Bond là gì?
Tuy được xem là một hình thức chứng khoán khá an toàn vì có nhiều “đường đi nước bước” cho cả nhà đầu tư lẫn người phát hành Bond. Nhưng trên thực tế, rủi ro vẫn là điều có thể xảy ra. Chẳng hạn như:
Rủi ro về quá trình tái đầu tư: một trong những đặc điểm “quyền lực” của trái phiếu là đơn vị phát hành có thể thu hồi dưới dạng mua lại trái phiếu trước lúc đáo hạn. Điều này đồng nghĩa với việc trái chủ sẽ có cơ hội nhận được khoản thanh toán tiền gốc cao hơn mệnh giá ban đầu. Tuy nhiên, mặt hại của vấn đề này chính là trái chủ không thể tiến hành tái đầu tư ở mức lãi suất cũ, có thể gây ảnh hưởng không tốt đến lợi nhuận.
Rủi ro về lạm phát: lạm phát sẽ khiến cho sức mua của các trái chủ giảm làm mức lợi suất rơi vào tình trạng bị “âm”.
Rủi ro về tín dụng: sở dĩ người ta đánh giá trái phiếu Chính phủ là an toàn nhất bởi vì Chính phủ có khả năng thu thuế cũng như phát hành tiền để giải ngân khoản nợ. Còn các doanh nghiệp hoặc đơn vị tài chính tư nhân khác thì không làm như vậy được. Chính vì thế, nếu xảy ra tình huống xấu mà doanh nghiệp không thể tiến hành trả nợ như kỳ hạn đã định thì rủi ro xảy ra cho trái chủ là rất lớn.
Câu hỏi thường gặp
Dưới đây là những câu hỏi liên quan đến trái phiếu Bond thường gặp.
Nên mua loại trái phiếu nào là tốt nhất?
Còn tùy vào mục đích đầu tư của trái chủ vào Bond là gì, mức sẵn có cũng như mức rủi ro mới đưa ra quyết định nên mua loại trái phiếu nào.
Trái phiếu có được tính là tài sản đảm bảo để tham gia các hoạt động đầu tư khác trong sàn chứng khoán hay không?
Tùy thuộc vào chính sách của đơn vị phát hành trái phiếu cũng như sàn chứng khoán.
Ở xa có mua trái phiếu được không?
Hoàn toàn không có vấn đề gì. Miễn trái chủ hoàn thành đủ và đúng thủ tục pháp lý.
Ngoài giá trái phiếu, trái chủ còn phải trả những chi phí nào?
Thuế TNCN (theo quy định Nhà nước) thông qua đại lý chuyển nhượng, phí chuyển nhượng, phí giao dịch ngân hàng,…
Làm sao để chứng minh mình là người sở hữu trái phiếu?
Mọi thông tin của nhà đầu tư đều được sao lưu kỹ càng trong hệ thống máy tính và được cập nhật liên tục khi diễn ra phiên giao dịch. Đồng thời, đơn vị phát hành sẽ cấp phát một giấy chứng nhận sở hữu trái phiếu cho nhà đầu tư.
Có những cách nào để chuyển nhượng trái phiếu?
Trái chủ có thể chủ động chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác hoặc bán lại cho đơn vị phát hành (nếu là trái phiếu có đặc điểm này) trước khi đến thời gian đáo hạn.
Hồ sơ chuyển nhượng cần có những gì?
- Đơn đề nghị chuyển nhượng. - Hợp đồng mua bán chuyển nhượng. - Giấy chứng nhận sở hữu trái phiếu.
Khi đến phiên đáo hạn, trái chủ cần phải làm gì?
Nếu nắm giữ trái phiếu đến lúc đáo hạn, tiền lãi và mệnh giá sẽ được tự động chuyển vào tài khoản đăng ký lúc trước của nhà đầu tư.
Thời gian đáo hạn dài có tốt cho đơn vị phát hành trái phiếu hay không?
Nếu thời gian đáo hạn dài có nghĩa là đơn vị phát hành trái phiếu sẽ sử dụng đồng tiền vốn lâu. Tuy nhiên, lãi phải trả cũng nhiều hơn nên lỡ như xảy ra lạm phát thì họ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Giá của Bond thay đổi là do bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào?
Như mọi người đã thấy trên 2 ví dụ, giá trái phiếu chỉ có giá trị ngay thời điểm phát hành. Còn vào khoảng thời gian lưu thông trên thị trường nó có thể thay đổi ít nhiều. Một số lý do chính có thể kể đến là: lãi suất thị trường, tỷ giá hối đoái, thời gian đáo hạn, tình hình hoạt động của công ty, lạm phát,…
Kết luận
Đầu tư trái phiếu nhìn chung có thể mang đến một nguồn thu ổn định cho nhà đầu tư, tuy nhiên nếu không có tính toán hợp lý thì quá trình này cũng mang đến không ít rủi ro. Chính vì thế, người đầu tư cần phải hiểu rõ và nắm vững kiến thức đặc điểm Bond là gì, đơn vị phát hành có xếp hạng tín dụng tốt hay không, những yếu tố hiện tại có thể mang đến lợi nhuận tốt cho quá trình đầu tư hay không,... để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt nhất. Team Kịch Trần chúc bạn thành công trong quyết định đầu tư của mình.
Chào mừng bạn đến với Kichtran.com. Đây là nơi mà Quân và team tập trung vào việc cung cấp kiến thức, thông tin mới nhất về đầu tư nói chung và đầu tư ngoại hối Forex nói riêng. Ngoài ra, mình là một người yêu thích viết lách, công nghệ. Hy vọng lớn nhất với blog này của Quân là có thể giúp đỡ được bạn trong quá trình tìm hiểu và đầu tư tài chính một cách chính xác, vui vẻ nhất. Chúc bạn thành công!