Momentum Là Gì?

Bài viết bởi Vương Anh Quân ngày Tháng Ba 6, 2021

Momentum - một trong yếu tố quan trọng trong việc nghiên cứu, đánh giá thị trường trong đầu tư Forex.

Trong đầu tư Forex, để có phân tích chính xác nhất, Trader cần tìm hiểu những yếu tố, chỉ báo có liên quan đến thị trường. Bài viết hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về chỉ báo Momentum - một công cụ được sử dụng khá phổ biến. Và để hiểu rõ chỉ báo Momentum là gì và nó thể hiện điều gì trong đầu tư Forex, mời bạn tham khảo những thông tin dưới đây.

Tổng quan Momentum là gì?

Trước khi tìm hiểu về cách sử dụng Momentum, chúng ta cần tìm hiểu Momentum là gì? Nó có đặc điểm gì? Vì sao Trader cần dựa vào nó để thực hiện giao dịch chính xác?

Định nghĩa Momentum

Momentum được dịch ra Tiếng Việt là động lực, động lượng. Và nếu đặt Momentum vào thị trường thì chúng ta có thể hiểu Momentum chính là sức mạnh của trend hoặc là cây nến mạnh.

Phân tích thị trường thông qua Momentum
Phân tích thị trường thông qua Momentum

Trong thị trường chứng khoán, chỉ báo Momentum được dùng để đo lường tốc độ thay đổi giá trong một khoảng thời gian nhất định. Nhờ chỉ số này chỉ ra các giai đoạn giá tăng, giá giảm để Trader có thể xác định sức mạnh của xu hướng thị trường.

Xét theo mức độ vi mô, trong mỗi cây nến cũng tồn tại Momentum. Với cây nến lớn, không có bóng nến thì đây là cây nến mạnh. Ngược lại, cây nến bé kèm theo bóng nến dài được gọi là cây nến yếu. Đây là 2 hướng của Momentum: High Momentum và Low Momentum.

Nhờ việc so sánh giữa sức mạnh của các cây nến, bạn sẽ hiểu về khái niệm cơ bản hành vi của giá. Tuy nhiên, việc nắm thông tin về sự thay đổi của giá hay sức mạnh của thị trường có ảnh hưởng như thế nào?

Bằng những thông tin từ chỉ báo Momentum, Trader có thể đưa ra giao dịch chính xác hơn về việc tiếp tục hay đảo chiều. Nếu thị trường tăng quá mua thì khả năng lớn sẽ giảm xuống. Còn nếu thị trường giảm quá bán thì khả năng bật trở lại rất cao.

Trong phân tích kỹ thuật, xu hướng thị trường là khái niệm vô cùng quan trọng. Phần lớn các chiến lược giao dịch đều được xác định dựa theo xu hướng thị trường. Đây là những thông tin hữu ích với Trader và Momentum chính là phương thức giúp Trader nắm bắt những thông tin đó.

Công thức tính Momentum

Công thức tính Momentum dựa vào giá đóng cửa của các phiên giao dịch. Cụ thể:

Momentum = (Closei/Close i-n) *100

Trong đó:

  • Closei là giá đóng cửa của phiên giao dịch thứ i.
  • Closei-n là giá đóng cửa của phiên giao dịch thứ i-n.

(Với n là khoảng thời gian mà Trader tự xác định dựa vào chiến lược cụ thể).

Hoặc trong một số trường hợp, bạn có thể sử dụng công thức tính:

Momentum = Closei - Closei-n

Với công thức tính này, Momentum sẽ thể hiện sự thay đổi, chênh lệch độ lớn của giá. Còn với cách tính trước, chúng ta có thể thấy được tốc độ thay đổi của giá và bản chất của động lượng.

xu huong thi truong
Xu hướng thị trường được thể hiện rõ ràng qua chỉ báo Momentum

Ví dụ:

Nếu giá đóng cửa của giao dịch hiện tại (giả sử là giao dịch thứ 15) là 1.1050 và giá đóng cửa của giao dịch thứ 1 là 1.0900 thì thị trường đang có xu hướng tăng và chỉ báo Momentum sẽ có giá trị là:

Momentum (14) = (1.1050 / 1.0900) * 100 = 101, 37

Và áp dụng ngược lại khi thị trường xu hướng giảm.

Đặc điểm của Momentum

  • Momentum có thể được sử dụng bất cứ thời điểm nào mà bạn muốn biết thông tin về xu hướng thị trường.
  • Momentum là chỉ báo động lượng xoay quanh giá trị 100. Nếu chỉ số này càng cách xa giá trị 100 thì chứng tỏ thị trường có biến động càng mạnh.

Ví dụ: Bạn thiết lập chỉ số n = 14, kết quả chỉ báo Momentum là 100 có nghĩa là giá đóng cửa tại thời điểm bạn đang tính và giá đóng cửa trước đó 14 giờ là bằng nhau. Còn nếu Momentum > 100 có nghĩa là giá đóng cửa tại thời điểm bạn xét cao hơn giá đóng cửa trước đó 14 giờ. Và ngược lại với trường hợp Momentum < 100.

  • Khoảng cách giữa đường Momentum và đường 100 sẽ cho chúng ta biết giá thị trường đang di chuyển nhanh hay chậm. 

Ví dụ: Khi Momentum = 98% có nghĩa giá đang giảm với lực mạnh hơn khi Momentum = 99%. Và khi Momentum = 102% có nghĩa giá đang tăng với lực mạnh hơn khi Momentum = 101%.

  • Hãy nhớ: Xu hướng của đường Momentum không phản ánh xu hướng giá thị trường. Nó chỉ thể hiện sức mạnh của xu hướng.

Ứng dụng của Momentum

Momentum giúp Trader xác định sức mạnh xu hướng trên thị trường. Trader dựa vào chỉ báo này để xác định hướng đi tiếp theo của thị trường. Và từ đó có kế hoạch đầu tư phù hợp. 

Chỉ số Momentum biến động theo số kỳ là 14
Chỉ số Momentum biến động theo số kỳ là 14

Có 3 tín hiệu mà chỉ báo Momentum đang cung cấp cho Trader là:

  • Tín hiệu 100 Line Cross (đường Momentum cắt đường 100). Khi giá di chuyển dưới đường 100 đến khi cắt và vượt qua đường 100 có nghĩa là giá đang tăng. Và ngược lại, nếu giá đang di chuyển trên đường 100 nhưng lại cắt đường này rồi đi xuống, có nghĩa là giá đang giảm.
  • Tín hiệu Moving Average Cross (đường Momentum cắt đường trung bình di động). Khi đường Momentum vượt qua đường trung bình từ bên dưới là tín hiệu để Trader mua. Còn khi Momentum vượt qua đường trung bình từ bên trên là tín hiệu Trader nên bán.
  • Tín hiệu phân kỳ hoặc hội tụ giữa đường Momentum và đường giá.

Cách thiết lập Momentum

Dưới đây là cách thiết lập Momentum trong phần mềm MetaTrader 4 (MT4) và MetaTrader 5 (MT5).

Tìm chỉ báo Momentum trong phần mềm

Cách tìm Momentum khá đơn giản. Bạn chỉ cần mở phần mềm và thực hiện theo các bước sau:

Insert -> Indicators -> Oscillators -> Momentum.

Cách thiết lập Momentum

Sau khi tìm được Momentum trong phần mềm, trên màn hình sẽ xuất hiện bảng thiết lập. Bảng gồm có các mục:

  • Parameters (Thiết lập tham số).
  • Levels (Thiết lập mức).
  • Visualizations (Thiết lập khung thời gian hiển thị).
bang momentum
Bảng thiết lập chỉ báo Momentum

Thông thường, các tham số trên đều được thiết lập sẵn, bạn chỉ cần bấm OK để hoàn tất việc thiết lập. Tuy nhiên, nếu bạn muốn thay đổi bất kỳ mục nào, bạn đều có thể tự thiết lập lại.

Parameters (Thiết lập tham số)

Đối với mục này, các tham số bạn có thể thiết lập như:

  • Màu sắc của đường động lượng: Nhấn ô Style để lựa chọn.
  • Apply to (Loại giá áp dụng): Giá áp dụng thường mặc định là Close (Giá đóng cửa). Đây cũng là giá mà các nhà phân tích thường lựa chọn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thay đổi mục này để đường động lượng tính theo giá cao nhất, giá thấp nhất, giá mở cửa,...
  • Loại đường: Bạn có thể lựa chọn kiểu hiển thị của đường là đường liền, đường đứt hoặc mức độ đậm nhạt.
  • Period (Giai đoạn): Đây là chỉ số n trong công thức tính Momentum. Chỉ số này để mặc định là 14. Nếu muốn thay đổi, bạn chỉ cần nhấn vào ô đó và nhập con số mình muốn.

Levels (Thiết lập mức)

Level được mặc định là 100. Nếu không thấy tham số này, bạn chọn nút Add ở bên phải bảng thiết lập để thêm vào. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thêm nhiều mức khác để kết quả hiển thị phù hợp với mong muốn.

Visualizations (Thiết lập khung thời gian hiển thị)

Với mục này, phần mềm đã thiết lập sẵn cho tất cả các khung thời gian nên bạn sẽ không cần thao tác gì thêm.

Qua những thông tin trên, chắc hẳn bạn đã biết Momentum là gì và cách thiết lập nó ra sao. Trong phần tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu về cách sử dụng chỉ báo này.

Cách sử dụng Momentum hiệu quả

Như đã chia sẻ ở mục ứng dụng, đường động lượng sẽ cung cấp cho Trader tín hiệu. Và dựa vào những tín hiệu đó, Trader đưa ra nhận định của riêng mình.

Sử dụng tín hiệu đường 100

Thị trường luôn luôn biến động, vì vậy, trong các khoảng thời gian, Momentum luôn nằm phía trên hoặc dưới đường 100. Thời điểm đường Momentum và đường 100 cắt nhau là thời điểm Trader thường thực hiện các lệnh mua/bán. 

Một ví dụ về tín hiệu Momentum cắt đường 100
Một ví dụ về tín hiệu Momentum cắt đường 100 

Nếu Momentum cắt đường 100 từ dưới lên, Trader mua đang chiếm ưu thế. Và khả năng cao giá sẽ tiếp tục tăng, bạn có thể thực hiện lệnh mua. Ngược lại, Momentum cắt đường 100 từ trên xuống, Trader ở phe bán đang có ưu thế. Có khả năng giá sẽ tiếp tục giảm, nên thời điểm này, bạn nên thực hiện lệnh bán.

Tuy nhiên, đây không phải là cách thực hiện giao dịch chính xác nhất vì còn phụ thuộc vào tình hình thực tế. Để sử dụng tín hiệu này hiệu quả, bạn nên dùng nó khi xác định giá đang ở một xu hướng nhất định. Từ đó, tìm các điểm giao cắt để thực hiện lệnh phù hợp. 

Sử dụng tín hiệu đường trung bình

Bạn cần lưu ý, đường trung bình ở đây không phải là đường trung bình của giá mà chính là đường trung bình của Momentum nhé.

Nếu bạn chưa biết cách thêm đường trung bình của Momentum, hãy thực hiện các thao tác sau:

Trong giao diện chính của phần mềm, chọn Navigator -> Indicator -> Trends -> Moving Average (MA)

Sau đó, kéo thả dòng MA vào cửa sổ chỉ báo Momentum rồi thực hiện thiết lập số giai đoạn (Period) và những tham số khác theo ý của bạn. Thông thường, Trader lựa chọn số kỳ là 9, 14 hay 21. Nếu số kỳ dài thì đường có độ mượt cao nhưng tín hiệu nhận về sẽ bị trễ khiến chúng ta đặt lệnh không phù hợp.

Cách quan sát khi sử dụng tín hiệu Momentum cắt đường trung bình
Cách quan sát khi sử dụng tín hiệu Momentum cắt đường trung bình

Trader sẽ sử dụng tín hiệu này bằng cách:

  • Thực hiện lệnh mua khi Momentum cắt đường trung bình từ dưới lên.
  • Thực hiện lệnh bán khi Momentum cắt đường trung bình từ trên xuống.

Tuy nhiên, tín hiệu này cũng có lưu ý như tín hiệu giao cắt của đường Momentum với đường 100. Đó là các bạn nên sử dụng tín hiệu khi xác định xu hướng chung.

Sử dụng tín hiệu phân kỳ và hội tụ giữa đường Momentum và đường giá

Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu về giá phân kỳ và hội tụ được thể hiện như thế nào.

Theo đó, phân kỳ xảy ra khi đỉnh sau có giá cao hơn đỉnh trước nhưng Momentum lại thì ngược lại là đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Còn hội tụ là khi đáy sau có giá thấp hơn đáy trước nhưng Momentum lại tạo đáy sau cao hơn đáy trước.

Nhìn chung, phân kỳ và hội tụ đều chỉ diễn biến không cùng xu hướng giữa giá thị trường và chỉ báo Momentum tương ứng.

Sử dụng tín hiệu này sẽ giúp bạn xác định chính xác hơn xu hướng thị trường.

Thông thường, nếu chỉ nhìn vào xu hướng giá, bạn sẽ khó suy đoán được thời điểm nào giá sẽ đảo chiều đúng không? Nhưng khi kết hợp với Momentum, bạn sẽ có dấu hiệu rõ ràng hơn. 

Ví dụ: Nếu giá có xu hướng tăng, nhưng qua chỉ báo Momentum bạn thấy rằng đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Có nghĩa là động lực tăng giá đang giảm. Khi đó, khả năng cao giá sẽ đổi chiều.

Tuy nhiên, khi sử dụng tín hiệu này, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không phải trong các trường hợp, có dấu hiệu phân kỳ hay hội tụ thì giá đều đảo chiều. Đây chỉ là một dấu hiệu có khả năng lớn mà bạn có thể tham khảo. Bạn cũng nên sử dụng thêm một số chỉ báo khác để nhận định chính xác hơn.
  • Khi phân tích giá theo phân kỳ, hội tụ, bạn nên thiết lập thêm mức 99 và 101 để tín hiệu được thể hiện mạnh hơn. 
Trường hợp giá xu hướng giảm mạnh, các tín hiệu hội tụ bị sai
Trường hợp giá xu hướng giảm mạnh, các tín hiệu hội tụ bị sai

Câu hỏi thường gặp

Dưới đây là những câu hỏi thường gặp về chỉ số Momentum khi giao dịch Forex.

Kết luận

Với các nhà đầu tư, chắc hẳn chỉ báo Momentum không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, bất cứ chỉ báo nào trong đầu tư cũng đều có ưu và nhược điểm riêng. Do đó, bạn cần tập luyện khả năng quan sát, phân tích thị trường để rút kinh nghiệm cho bản thân. 

Hy vọng những thông tin trong bài viết này đã giúp các bạn giải đáp thắc mắc Momentum là gì và cách sử dụng Momentum hiệu quả.

Đừng quên tham khảo những bài viết khác của Kịch Trần để tìm hiểu về đầu tư Forex nhé.

Bài viết bởi Vương Anh Quân
Chào mừng bạn đến với Kichtran.com. Đây là nơi mà Quân và team tập trung vào việc cung cấp kiến thức, thông tin mới nhất về đầu tư nói chung và đầu tư ngoại hối Forex nói riêng. Ngoài ra, mình là một người yêu thích viết lách, công nghệ. Hy vọng lớn nhất với blog này của Quân là có thể giúp đỡ được bạn trong quá trình tìm hiểu và đầu tư tài chính một cách chính xác, vui vẻ nhất. Chúc bạn thành công!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

crossmenu