Ponzi Scheme Là Gì?

Bài viết bởi Vương Anh Quân ngày Tháng Hai 5, 2021

Ponzi Scheme chính là hình thức vay tiền người này để trả nợ cho người khác dưới danh nghĩa lợi nhuận. Trong đầu tư Forex, Ponzi Scheme rất nguy hiểm và trader cần tuyệt đối cảnh giác.

Thị trường tài chính là cơ hội mở cho các nhà đầu tư có thể đạt được lợi nhuận ấn tượng. Thế nhưng nó cũng là mảnh đất màu mỡ để các bậc thầy lừa đảo tận dụng trục lợi. Đặc biệt điển hình nhất của việc này chính là mô hình Ponzi Scheme. Vậy, Ponzi Scheme là gì và mô hình này trục lợi cá nhân bằng cách nào, làm thế nào để tránh được cái bẫy của Ponzi Scheme, hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây cùng team Kịch Trần nhé.

Ponzi Scheme là gì?

Ponzi Scheme còn được gọi là mô hình Ponzi. Đây là hình thức dùng tiền vay của người này để trả cho người khác dưới danh nghĩa hợp pháp. Hình thức này sẽ đánh vào tâm lý nhà đầu tư mong cầu lợi nhuận hấp dẫn và bị lôi kéo vào, thậm chí là còn lôi kéo thêm những người khác vào mô hình. Kết quả những nhà đầu tư đi trước nếu đạt được lợi nhuận và rút khỏi thị trường thì an toàn, những nhà đầu tư càng vào sau lại càng có nguy cơ mất vốn.

Mô hình Ponzi có thể bị phá đảo hoặc có thể tồn tại, cho đến khi vẫn còn lôi kéo được thành viên mới tham gia. Với việc tăng dần các đối tượng mới, nguồn vốn của kẻ đi vay ngày càng mạnh. Cho đến một thời điểm nhất định, họ có thể lặng lẽ rút êm khỏi thị trường không dấu vết, và hậu quả các nhà đầu tư sẽ phải gánh chịu.

Mô hình Ponzi Scheme hoạt động theo cách vay tiền người đến sau để trả cho người đến trước
Mô hình Ponzi Scheme hoạt động theo cách vay tiền người đến sau để trả cho người đến trước

Khởi đầu của Ponzi Scheme như là một công ty kinh doanh hợp pháp. Theo thời gian, công ty hoạt động không đạt được lợi nhuận. Vì vậy, người đứng đầu bày ra chiêu trò Ponzi Scheme bằng cách gian lận cổ đông, khách hàng. Họ sẽ chiêu mộ những nhà đầu tư mới rót vốn vào, với lời chào mời hấp dẫn sẽ trả lãi suất, lợi nhuận siêu cao trong thời gian ngắn. Họ tồn tại được chính là vì đánh vào lòng tham của nhà đầu tư. Càng nhiều người góp vốn, công ty lại càng tăng vốn mạnh nhưng lại không hề sử dụng nguồn vốn để cải thiện tình hình kinh doanh, mà lại dùng chính tiền đó để xoay vòng chi trả cho những người vào trước, cứ như thế tiếp diễn kéo dài.

Ví dụ thực tiễn của mô hình Ponzi Scheme

Trong cuộc sống, có rất nhiều hình thức lừa đảo tương tự như mô hình Ponzi Scheme. Điển hình nhất có thể thấy chính là mô hình kinh doanh tháp đa cấp đang bị lên án mạnh mẽ và có hàng nghìn người Việt đã phải ngậm đắng nuốt cay khi trót bị dụ dỗ vào đường dây này.

Các công ty đa cấp kinh doanh sản phẩm nhất định. Họ chiêu dụ nhà đầu tư vào mô hình kinh doanh của mình. Nhà đầu tư sẽ bỏ 1 số vốn lớn để ôm hàng. Sau đó nếu mời chào được những đại lý cấp 2, cấp 3, cấp n vào thì người vào trước sẽ nhận thêm 1 khoản hoa hồng từ những người vào sau. 

Mô hình kinh doanh đa cấp
Mô hình kinh doanh đa cấp

Hình thức kinh doanh theo tháp vốn dĩ là rất hợp pháp, nhưng hệ thống này lại không hướng đến phân phối sản phẩm dịch vụ mà yêu cầu nhà đầu tư các cấp nộp tiền cho doanh nghiệp đa cấp để được nâng cấp VIP. Vốn bỏ càng nhiều, VIP càng cao và hứa hẹn lợi nhuận càng hấp dẫn. Thời gian đầu nhà đầu tư sẽ nhận được khoản chia lãi như cam kết, càng về sau lại càng không thấy đâu và đến một lúc nào đó thì mới biết mình đã bị lừa.

Lịch sử Ponzi Scheme - Kế hoạch lừa đảo triệu đô mang chân dung người Ý

Ponzi Scheme không phải là cách thức lừa đảo mới. Mô hình này đã xuất hiện vào thế kỷ XIX và tạo nên một làn sóng dư luận mạnh mẽ nhất lúc bấy giờ. Thời điểm đó, Ponzi Scheme nổi tiếng khắp mọi nơi, gây nên nỗi kinh hoàng lẫn kinh ngạc cho hàng triệu người Mỹ.

Cha đẻ của mô hình Ponzi 

Thuật ngữ Ponzi Scheme được khai sinh bởi “ông tổ” của những ông trùm lừa đảo có tên đầy đủ là Charles Ponzi. Đây là một trong những người Ý nhập cư đến Hoa Kỳ và trở thành chuyên gia lừa đảo siêu đẳng nhất của Hoa Kỳ. Cuộc đời và sự nghiệp của Charles Ponzi có thể được tóm tắt ngắn gọn sau đây:

Charles Ponzi sinh ngày 3 tháng 3 năm 1882 tại Ý. Cuộc đời của ông như một cuốn tiểu thuyết dài. Trước khi đặt chân đến Mỹ, cha của ông từng nói rằng tại đất nước này, vỉa hè cũng được dát bằng vàng. Thế nhưng, giấc mơ Mỹ của Charles Ponzi nhanh chóng suy sụp khi chứng kiến nhiều thực tế phũ phàng khi đến Mỹ. Hành trình làm giàu không hề suôn sẻ.

Charles Ponzi
Charles Ponzi

Khi trên tàu đến Mỹ, trong túi ông chỉ có 2.5USD. Thời điểm này là năm 1903 và ông là một chàng thanh niên 21 tuổi. 17 năm sau đó, vào năm 1920, trong túi Charles Ponzi đã có đến 15 triệu USD (Tương đương 150 triệu USD ngày nay). Khi kế hoạch Ponzi đổ bể, ông bị bắt vào tù với 86 tội danh lừa đảo và từ trần khi chỉ còn 7USD trong túi.

Quá trình phát triển mô hình Ponzi Scheme của Charles Ponzi

Kế hoạch Ponzi của Charles Ponzi được khởi nguồn từ việc Charles Ponzi thành lập công ty giao dịch chứng khoán vào ngày 26/11/1919, chuyên giao dịch trái phiếu IRC. Ngay từ khi mới thành, nó lập tức đã huy động lớn lượng người góp vốn đầu tư.

Mỗi ngày, trước trụ sở văn phòng là hàng dài người rồng rắn nộp tiền vào để mua phiếu IRC do Charles Ponzi phát hành. Mệnh giá trái phiếu có giá trị từ 10 - 50 USD. Để huy động được nhiều vốn hơn, Charles Ponzi mở thêm nhiều chi nhánh khắp nước Mỹ. Từ đó, công cuộc lừa đảo của Charles Ponzi cũng chính thức bành trướng lên, với các giai đoạn lịch sử sau đây:

  • Tháng 2/1920: Tổng vốn huy động được là 5.000 USD.
  • Tháng 5/1920: Tổng vốn đạt 420.000 USD. Thời điểm này Charles Ponzi dùng phần lớn số tiền này để đầu tư vào Ngân hàng Hanover Trust với tham vọng trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng. Lúc này công ty của Charles Ponzi được xem như người hùng của cộng đồng người Ý tại Mỹ.
  • Tháng 6/1920: Tổng vốn huy động được lên đến hàng triệu USD, con số ghi nhận được là 15 triệu USD, với tổng thu mỗi ngày đạt khoảng 250.000 USD.
  • Cũng trong tháng 6/1920, chuyên gia tài chính Mỹ Clarence Barron đã điều tra và kết luận rằng Charles Ponzi hầu như không đầu tư vốn huy động vào việc mua trái phiếu IRC như cam kết ban đầu với khách hàng. Trước thời điểm này, gần như mọi tin xấu đều bị Charles Ponzi dùng tiền ém nhẹm đi.
  • Ngày 26/6/1920, đế chế Ponzi bắt đầu chao đảo khi hàng nghìn khách hàng đã không được nhận khoản tiền lãi đúng như cam kết. Có đến hàng nghìn người vây quanh văn phòng của Charles Ponzi để đòi nợ, trong 3 ngày liên tiếp, Charles Ponzi đã đích thân chi trả khoảng 2 triệu USD tiền lãi cho khách hàng, đồng thời đưa ra các chia sẻ công ty gặp sự cố tổ chức, vì vậy chưa thể thanh toán đúng hẹn. Động thái này đã làm êm lòng khách hàng và ông lại được ủng hộ rầm rộ trở lại ở nhiều nơi.
  • Tình hình tiếp diễn theo chiều hướng xấu đi và vào ngày 13/8/1920, Charles Ponzi chính thức bị bắt về tội lừa đảo. Đế chế Charles Ponzi sụp đổ, mô hình Ponzi cũng từ đó trở thành huyền thoại kinh hoành và bành trướng phát triển toàn thế giới theo nhiều cách lừa đảo khác nhau cho đến tận ngày nay.
Ponzi Scheme đã tạo nên cú sốc lớn cho toàn nước Mỹ vào năm 1920
Ponzi Scheme đã tạo nên cú sốc lớn cho toàn nước Mỹ vào năm 1920

Ponzi Scheme hoạt động như thế nào?

Theo những lời nhận tội của Charles Ponzi tại tòa, ông cho rằng, chẳng ai không bị mờ mắt trước khoản lợi nhuận kếch xù cả. Người thứ 2 nhìn người thứ nhất nhận được khoản lãi kếch xù chỉ trong thời gian ngắn mà không cần làm bất cứ việc gì, nên cũng háo hức đổ tiền vào hệ thống Ponzi Scheme. Sau đó là người thứ 3, thứ 4,… Tổng thống kê có đến 40.000 người đã huy động vốn cho mô hình Ponzi và chỉ số ít trong số đó nhận được cả vốn lẫn lời.

Cách thức hoạt động của mô hình Ponzi
Cách thức hoạt động của mô hình Ponzi

Sau khi Ponzi bị bắt, người Mỹ và cả người Ý và có lẽ giới đầu tư tài chính toàn cầu mới bắt đầu hiểu ra mô hình lừa đảo đơn giản nhưng tinh vi này. Mô hình Ponzi Scheme hoạt động theo cách thức như sau:

  • Người A được xem là người khởi xướng. Người này sẽ đứng ra quảng cáo về một mô hình đầu tư siêu lợi nhuận. Nếu tham gia mô hình đầu tư này, bất cứ ai cũng có thể nhận khoản lợi nhuận hấp dẫn, có thể là 10 - 20% tổng vốn đầu tư ban đầu theo chu kỳ (1 tháng, 3 tháng, 6 tháng,…)
  • Người B tham gia mô hình, nộp khoản tiền ban đầu. Sau chu kỳ đầu tiên, người A trích 10% trong khoản người B đã nộp để trả lợi nhuận cho người B. Người B đứng trước lợi nhuận có thể bị hấp dẫn và tái đầu tư thêm.
  • Người C, người D,... cũng theo cách thức này mà tham gia vào hệ thống. Kỳ thực tiền họ nhận được gọi là lợi nhuận chính là tiền của chính họ, và của những nhà đầu tư đi sau họ.
  • Người A huy động càng nhiều nhà đầu tư mới, sẽ có khoản tiền để trả lãi và gốc cho những nhà đầu tư ban đầu. Nhờ đó nhà đầu tư ban đầu thêm tin tưởng vào mô hình đầu tư, có thể tái đầu tư với số vốn lớn hơn hoặc kêu gọi thêm nhiều người tham gia.
  • Hệ thống hoạt động tiếp diễn cho đến 1 giai đoạn không thể duy trì được. Lúc này sẽ có 2 khả năng xảy ra: Người A bị phát hiện lừa đảo và bị bắt. Hoặc người A sẽ biến mất cùng với toàn bộ khoản tiền thu được từ các nhà đầu tư.

Đặc điểm của Ponzi Scheme

Mô hình Ponzi Scheme đã tồn tại trên thế giới hơn 100 năm. Thế nhưng có một thực tế là mỗi năm, tại rất nhiều nơi, không ít người rơi vào cái bẫy Ponzi Scheme và trở thành nạn nhân không hồi kết của nó. Không những thế, Ponzi Scheme ngày càng biến tướng. Hình thức lừa đảo này ngày càng thủ đoạn hơn, tinh vi hơn. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ và internet, thì những kẻ lừa đảo rất dễ dàng tiếp cận các con mồi và đưa họ vào tròng. Hiện nay, hình thức này đang phát triển mạnh ở các lĩnh vực như tiền ảo, bất động sản, đầu tư ngoại hối,...

Lợi nhuận lớn đánh vào lòng tham của các nhà đầu tư
Lợi nhuận lớn đánh vào lòng tham của các nhà đầu tư

Để phòng tránh được Ponzi Scheme, trước tiên chúng ta cần phải nhận biết chúng. May mắn thay, dù thiên biến vạn hóa, mô hình lừa đảo Ponzi Scheme vẫn có những đặc điểm nhất định:

  • Đánh vào lòng tham của con người. Các mô hình Ponzi Scheme luôn cam kết lãi suất cao cho khách hàng. Họ cam đoan không có rủi ro, hoặc rủi ro rất thấp. Bạn thử tưởng tượng, làm gì có cơ hội đầu tư nào dễ dàng đến mức lợi nhuận cao mà không có rủi ro?
  • Sản phẩm dịch vụ đầu tư thường được giải thích theo các hướng: Hoặc là quá phức tạp, hoặc là quá mơ hồ. Các thông tin không được cung cấp cụ thể.
  • Hợp đồng đầu tư thường đề cập nhiều đến lợi nhuận. Trong đó các điều khoản nếu đầu tư rủi ro thì nhà đầu tư có quyền lợi nghĩa vụ gì sẽ ít được đề cập. Trong đó cũng mô tả khá dài dòng và phức tạp về điều khoản nhà đầu tư muốn rút tiền ra (Có thể là phải đạt KPI mời được X nhà đầu tư tham gia vào).
  • Người có trách nhiệm đi thuyết phục là những người có ngoại hình bóng bẩy, khả ăn ăn nói thuyết phục. Họ thường tổ chức các buổi hội thảo lớn tại các địa điểm sang trọng. Tại đó, họ đánh bóng tên tuổi hệ thống, chia sẻ cách thức làm giàu, khoe khoang các thành tựu cũng như có những thống kê ấn tượng về khoản lợi nhuận mà các nhà đầu tư trước đã đạt được. Chính sức thuyết phục của họ đã khiến người nghe cảm thấy choáng ngợp và như bị thôi miên vào hệ thống.
  • Khó tìm được các hồ sơ về tổ chức, hệ thống, hay lai lịch của người đứng đầu hệ thống. Họ có thể không đăng ký kinh doanh hoặc nếu có thì cũng mới đăng ký kinh doanh, chưa có thời gian lâu tồn tại trên thị trường.

Hiện nay, đầu tư tài chính online đang rất phát triển. Do đó nếu không nắm rõ các đặc điểm của mô hình Ponzi Scheme, bạn có thể sẽ rơi vào cái bẫy quen thuộc hơn một thế kỳ này vẫn còn tác dụng.

Phòng tránh mô hình Ponzi: 5 điều trader không thể bỏ qua

Với hệ thống Ponzi luôn rình rập đe dọa các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư ít kinh nghiệm, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thể phòng tránh được rủi ro này? Thông qua những đặc điểm nhận dạng của Ponzi Scheme, các nhà đầu tư có thể tự mình đề phòng cái bẫy của hệ thống này thông qua 5 phương pháp sau:

Luôn đặt dấu hỏi

Nếu ai đó đề xuất với bạn một khoản lợi nhuận khổng lồ với khoản đầu tư ban đầu không lớn, đặc biệt bạn chỉ việc ngồi chơi xơi nước hưởng thụ thành quả thì hãy đặt câu hỏi nghi vấn. Làm thế nào lại có cơ hội tốt như thế đến từ một người lạ? Nếu thực sự có, thì bản thân họ đã huy động người thân, bạn bè và địa phương tham gia rồi. 

Việc đặt câu hỏi không chỉ hữu ích khi bạn gặp phải đối tượng Ponzi. Trong bất cứ loại hình đầu tư nào dù hợp pháp hay không hợp pháp, đặt ra nghi vấn và giải quyết nghi vấn sẽ giúp bạn sáng tỏ được nhiều vấn đề. Từ đó, bạn sẽ có được lựa chọn đúng đắn nhất. 

Cẩn trọng trước cơ hội trên trời rơi xuống

Trong dân gian thường có câu nói kinh điển: Thứ tự nhiên trên trời rơi xuống, hoặc là nước mua, hoặc là phân chim. Nghe có vẻ phũ phàng nhưng đây lại là sự thật và nó đúng trong rất nhiều trường hợp. Cơ hội không thể tin nổi thường là những cơ hội không có thật. Những chào mời đầu tư dài hạn có thể là những cái bẫy đưa bạn vào tròng!

Nên cẩn trọng trước những cơ hội trong mơ!
Nên cẩn trọng trước những cơ hội trong mơ!

Vì vậy, nếu một ngày đẹp trời có một cơ hội lý tưởng tự dưng mời chào bạn, luận điệu vô cùng dễ nghe, tương lai vô cùng ngọt ngào, xin thưa với bạn, cơ hội đó có thể khiến bạn nhận quả đắng về sau đây!

Điều tra thật kỹ người bán

Việc điều tra người bán chưa bao giờ là thừa. Dù người bán đó có là người thân của bạn. Hãy xem xét mọi vấn đề từ lịch sử kinh doanh, nhân thân, quá trình phát triển của họ. Đặc biệt trong quá trình đầu tư online, nếu kẻ lừa đảo đóng vai một cố vấn tài chính, một sàn giao dịch chứng khoán hay một Broker thì bạn càng cần phải tìm hiểu thật kỹ. Những tổ chức uy tín là những tổ chức có cấp phép hoạt động và chịu sự ràng buộc pháp lý. Nếu những nhà môi giới khuyến khích bạn nạp thật nhiều tiền để hưởng khuyến mãi khủng, hoặc họ sẽ dùng tiền đó đầu tư giúp bạn, hãy tuyệt đối cẩn thận và tốt nhất là nên tránh xa để đảm bảo an toàn.

Chỉ nên tin tưởng vào thông tin

Niềm tin không phải là vấn đề quan trọng khi đầu tư. Những thông tin chính xác mới chính là  kim chỉ nam cho mọi hành động của bạn. Đầu tư tài chính chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, và một nhà đầu tư chân chính đều hoạt động dưới bầu trời luật pháp. 

Nếu hệ thống không đăng ký kinh doanh, không xuất trình được giấy tờ rõ ràng, xin mời đi! Nếu hệ thống kinh doanh hứa hẹn những lĩnh vực mới mẻ mà bạn không nắm rõ được, hãy cẩn trọng! Thông tin càng chi tiết càng hữu ích và chỉ khi nào có đầy đủ thông tin chứng minh đầu tư minh bạch, bạn mới nên tham gia vào hệ thống.

Tìm hiểu kỹ các thông tin sẽ giúp tránh được bẫy Ponzi
Tìm hiểu kỹ các thông tin sẽ giúp tránh được bẫy Ponzi

Rất nhiều nhà đầu tư vì tin tưởng vào đối tượng mời chào mà bỏ qua việc tìm kiếm và sàng lọc thông tin. Trên thực tế, người mời chào họ cũng đang là một nạn nhân của hệ thống Ponzi Scheme mà họ không hề hay biết. Họ chia sẻ với bạn bằng sự chân thành và mong muốn bạn có được quyền lợi đầu tư hấp dẫn như họ. Do đó, việc điều tra cần mở rộng ra cả hệ thống chứ không chỉ đơn thuần là đối tượng trực tiếp mời chào bạn đầu tư.

Tố cáo đến cơ quan chức năng

Khi phát hiện đối tượng lừa đảo dụ dỗ mình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp tham gia vào mô hình Ponzi Scheme hay bất kỳ mô hình lừa đảo nào, đừng nên im lặng. Hãy tố cáo đến cơ quan chức năng để bảo vệ bản thân, người thân. Đồng thời, bạn cũng góp phần không nhỏ làm trong sạch môi trường kinh doanh và góp phần đưa hệ thống Ponzi Scheme vào tầm ngắm của nhiều người, giảm thiểu số nhà đầu tư phải trắng tay vì bị lừa đảo.

Câu hỏi thường gặp

Sau đây là những câu hỏi thường gặp về Ponzi Scheme.

Kết luận

Bỏ một khoản vốn ra để đầu tư, bất kỳ ai cũng trông chờ vào lợi nhuận. Đó không chỉ là tâm lý chung mà đó chính quy luật của đầu tư. Chính bởi điều này, hệ thống lừa đảo Ponzi Scheme mới có thể hoạt động bành trướng mạnh mẽ đến ngày nay.

Tuy nhiên, việc đầu tư nào cũng đều có những rủi ro, cẩn trọng với Ponzi Scheme luôn là điều cần thiết khi bạn quyết định tham gia bất cứ mô hình đầu tư nào, do bất cứ ai khởi xướng!

Bài viết bởi Vương Anh Quân
Chào mừng bạn đến với Kichtran.com. Đây là nơi mà Quân và team tập trung vào việc cung cấp kiến thức, thông tin mới nhất về đầu tư nói chung và đầu tư ngoại hối Forex nói riêng. Ngoài ra, mình là một người yêu thích viết lách, công nghệ. Hy vọng lớn nhất với blog này của Quân là có thể giúp đỡ được bạn trong quá trình tìm hiểu và đầu tư tài chính một cách chính xác, vui vẻ nhất. Chúc bạn thành công!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

crossmenu